BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III

Năm 2019, Viện III thực hiện 79 nhiệm vụ, trong đó có 10 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và chủ trì thực hiện 69 nhiệm vụ KHCN. Trong số 69 nhiệm vụ KHCN có 17 đề tài dự án cấp Nhà nước, 14 đề tài dự án cấp Bộ, 16 đề tài dự án cấp Tỉnh, 4 dự án Hợp tác quốc tế, 18 dự án chuyển giao công nghệ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi. Một số kết quả nổi bật cụ thể như sau:

  1. Chọn tạo và sản xuất giống
1.1. Tôm
Chọn giống (sinh trưởng và kháng bệnh) tôm chân trắng bố mẹ: Tôm chân trắng bố mẹ được chọn giống thế hệ thứ 6 phù hợp với điều kiện nuôi ở Việt Nam, khả năng chịu đựng tốt với biến động lớn về môi trường và dịch bệnh. Tôm chọn giống có khối lượng tăng 28%, tỷ lệ sống cao hơn 12% so với quần đàn ban đầu. Tôm bố mẹ chọn giống có sức sinh sản thực tế trung bình 21.000 Nauplius/tôm mẹ, tỷ lệ sống khi ương từ Nauplius lên Post larvae đạt 50-60%. Cung cấp 40.000 con tôm bố mẹ/năm phục vụ sản xuất.
Nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm bông: Tôm trắng đánh bắt từ tự nhiên đã được nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ ương lên tôm giống 20-30g/con, tỷ lệ sống đạt >80%; quy trình đã được áp dụng và đáp ứng >80% nhu cầu con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Đồng thời tôm bố mẹ nuôi vỗ trong điều kiện nhân tạo đã được cho sinh sản thành công, ấu trùng tôm đã được nghiên cứu ương nuôi đến giai đoạn 1 tháng tuổi (qua giai đoạn 6/11 giai đoạn biến thái).
Nghiên cứu sản xuất giống tôm mũ ni (1 loại tôm hùm): Nghiên cứu sản xuất giống tôm mũ ni đã thành công, tuy nhiên tỷ lệ sống thấp và cần tiếp tục hoàn thiện.
1.2. Cá
Chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm đã được thực hiện, kết quả tạo ra đàn cá bố mẹ có sinh trưởng tăng 5-6% mỗi thế hệ, hàng năm cung cấp 5.000 con cá bố mẹ và 1 triệu cá giống phục vụ sản xuất.
Nghiên cứu sản xuất giống thành công và ứng dụng vào sản xuất một số loài cá biển: Cá mú lai, cá mú cọp, cá mú đen, cá chẽm, cá mặt quỷ, cá chim, cá bớp,…. Hàng năm cung cấp khoảng 10 triệu con giống các loại cá biển phục vụ sản xuất ở miền Bắc, Trung, Nam.
Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo thành công cá tầm siberi phục vụ nuôi cá nước lạnh khu vực Tây Nam Bộ, đáp ứng 60% nhu cầu nuôi thương phẩm khu vực Tây Nam Bộ.
Công nghệ ương giống cá chình hoa (Anguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp đã đạt: Ương cá chình bột trắng lên giống cấp I (5 g/con) đạt 70%, tỷ lệ sống từ 5g lên giống cấp II (50-80 g/con) trên 80%. Công suất 150.000 – 300.000 cá giống cấp II/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm trên cả nước.
1.3. Nhuyễn thể, rong biển và đối tượng khác
Chọn giống nâng cao sinh trưởng cua xanh với hiệu quả chọn lọc tăng 10-14%, (khối lượng trung bình 495g/con) so với đàn cua chưa qua chọn lọc; tỷ lệ sống đạt 60-65% sau 140 ngày nuôi (đạt kích cỡ thương phẩm. Đã phát tán 500.000 cua bố mẹ hậu bị cho các hộ nuôi cho kết quả sinh trưởng nhanh, đồng đều và đạt kích cỡ thu hoạch sớm hơn 20-30 ngày so với nguồn cua giống tự nhiên.
Công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể: Hàu Thái Bình Dương bám đơn với tỷ lệ bám đơn 60%, tỷ lệ thành con giống cấp 1 là 40%. Sò huyết với tỷ lệ từ ấu trùng mới nở đến con giống cấp 1 là 5%. Điệp quạt với tỷ lệ sống từ ấu trùng đến con giống cấp 1 là 5%. Sá sùng với tỷ lệ sống đến con giống cấp 1 là 1-3%.
Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cua hoàng đế đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: Nuôi vỗ cua bố mẹ đạt tỷ lệ sống >90%, tỷ lệ thành thục >80%, ương nuôi ấu trùng đến cua bột đạt tỷ lệ sống 1-2%, ương từ cua bột lên cua giống đạt tỷ lệ sống 70-80%.
Sản xuất giống dinh dưỡng một số loài rong biển có giá trị kinh tế như sản xuất giống rong sụn đạt năng suất trung bình 33-36 tấn/ha/năm; rong nho đạt năng suất trung bình 40 tấn/ha/năm; rong câu cước đạt năng suất trùng bình là 24,6 tấn giống/ ha/năm.
Công nghệ sản xuất giống ghẹ xanh (Portunus pelagicus Linnaeus, 1758) giống đã hoàn thiện so với quy trình công nghệ trước đây với thời gian biến thái ấu trùng ngắn hơn và đồng đều hơn, cụ thể thời gian biến thái từ ấu trùng Zoea 1 đến ghẹ giống 1 trong khoảng 12-13 ngày. Tỷ lệ sống trùng bình đạt được là 16,58%.
Một số công nghệ sản xuất giống các đối tượng khác đã được nghiên cứu thành công và đang ứng dụng vào sản xuất như: Bào Ngư, Ốc hương, Sò dương, Ngao hai cồi, Trai tai tượng, Cầu gai, Hải sâm,.....
2. Môi trường và bệnh
Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật: “Giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng”. Tiến bộ kỹ thuật này đã được ứng dụng Xây dựng mô hình phòng, trị bệnh sữa và đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng hiệu quả tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Hàng năm, Viện thực hiện nhiệm vụ “Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm tập trung tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ” – thuộc chương trình “Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản” của Tổng cục Thủy sản từ năm 2015 đến nay. Kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường được gửi trực tiếp đến địa phương nơi quan trắc trong 2-3 ngày sau khi thu mẫu và cơ quan quản lý (TCTS). Mỗi năm có khoảng 18 bản tin đã được gửi đến địa phương và cơ quan quản lý để chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các vấn đền xử lý môi trường, bệnh trên tôm, cá nuôi cho người nuôi trồng thủy sản tại vùng quan trắc, giám sát.
Đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bổ sung quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng NTTS tập trung, có hiện tượng bất thường về môi trường và có thủy sản nuôi bị chết ở các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
Thực hiện các tư vấn giúp người dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực về giải pháp xử lý môi trường và bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi. Tiếp nhận và phân tích mỗi năm hơn 100 lượt chỉ tiêu môi trường nước và bệnh thủy sản cho người dân ở các địa phương Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số tỉnh ở miền Nam (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh).
Nghiên cứu thành công trong việc tạo kháng thể IgY phòng và trị bệnh do Vibrio spp. trên tôm chân trắng. Xây dựng được Quy trình làm giàu kháng thể IgY đạt 100 – 117 mg/trứng gà và quy trình chiết suất kháng thể đạt hiệu quả 70%. Tiến hành chiết suất được > 500.000 mg kháng thể IgY đặc hiệu và ứng dụng kháng thể IgY trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu để phòng và trị bệnh do vi khuẩn vibrio V. harveyi, V. parahaemolyticus. với hiệu quả bảo hộ > 70%, năng suất tôm ổn định đạt 12 tấn/ha.

3. Thức ăn, chế biến
Quy trình sản xuất giống nhân tạo giun nhiều tơ làm thức ăn cho tôm bố mẹ (tôm chân trắng, tôm sú) tỷ lệ sống trung bình từ giai đoạn ấu trùng đến con giống (2cm) ≥ 20% và năng suất trung bình đạt ≥ 15.000 con/m2. Theo quy trình nuôi này tỷ lệ sống trung bình trong nuôi thương phẩm ≥ 70% và năng suất trung bình đạt ≥ 1,8kg/ m2. Sản phẩm giun nuôi có chất lượng cao và đảm bảo an toàn sinh học: giun nhiều tơ từ nguồn nuôi thương phẩm đạt chất lượng cao hơn về hàm lượng protein, lipid, acid amin và acid béo so với nguồn giun tự nhiên; Giun nhiều tơ từ nguồn nuôi thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học (không nhiễm bệnh WSSV, HPV, IHHNV, TSV…).
Công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam- Thức ăn công nghiệp cho ốc hương có hàm lượng protein 40%, lipid 8%, hoạt độ enzym 2000 UI/kg. Thử nghiệm cho ốc hương ăn thấy hiệu quả đạt FCR<2, tỷ lệ sống >75% ốc hương tăng trưởng nhanh và ít bệnh hơn, giá thành thấp.
Nghiên cứu thành công công nghệ và chủ động sản xuất thức ăn nuôi thương phẩm cá chình hoa (tương đương với thức ăn nhập nội), thức ăn nuôi cua lột đạt tỷ lệ cua lột đồng loạt >86%, thức ăn nuôi thương phẩm tôm hùm trên bờ.

4. Quy trình công nghệ nuôi
Công nghệ nuôi tôm thâm canh sử dụng các chế phẩm sinh học đạt năng suất cao và bền vững môi trường sinh thái với đối tượng cụ thể là nuôi tôm sú thâm canh: năng suất đạt 7-8 tấn/ha/vụ; Nuôi tôm chân trắng thâm canh: năng suất đạt 14-15 tấn/ha/vụ; tỷ lệ sống trung bình đạt 78,0%.
Quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm trong hệ thống bể tái sử dụng nước: Nuôi tôm bằng thức ăn công nghiệp dạng viên khô, hàng tuần bổ sung thức ăn tươi. Thời gian nuôi: 18 tháng, tỷ lệ sống > 70%, cỡ tôm 0,8 kg/con, năng suất: 5-7 kg/m2, kiểm soát được bệnh sữa, bạc vỏ, đen mang. Quy trình công nghệ đang được Công ty Đắc Lộc và Công ty Nam Miền Trung ứng dụng triển khai thực hiện sản xuất.
Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương bám đơn với tỷ lệ sống đến khi thu hoạch trung bình là 70%.
Công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) công nghiệp trong hệ thống hở, theo hình thức thay nước hàng ngày, bổ sung ôxy bằng máy quạt khí, tỷ lệ sống 80%, năng suất 10-12kg/m3, cỡ thu hoạch 2kg/con, công suất 20 tấn/năm và nuôi thương phẩm cá chình hoa công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn kín, bổ sung oxy nguyên chất, tỉ lệ sống 80%, năng suất 50kg/m3, cỡ cá thu hoạch 2 kg/con, công suất 30 tấn/năm. Công nghệ đang được áp dụng ở 18 tỉnh thành trên cả nước.
Công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm đơn trong ao: Kích cỡ giống 2g/con, mật độ thả: 1 con/m2, thời gian nuôi 8-10 tháng/vụ, kích cỡ thu hoạch: 300-350g/ con, năng suất 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống 80%. Nuôi hải sâm kết hợp ốc hương trong ao: Kích cỡ giống hải sâm 10g/con, ốc hương 30.000 con/kg; mật độ thả hải sâm 2 con/m2, ốc hương 200 con/m2; thời gian nuôi 6-7 tháng/vụ; năng suất hải sâm 2,5 tấn/ ha (tỷ lệ sống 80%), ốc hương 5 tấn/ha (tỷ lệ sống 75%).
Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm một số loài thủy sản đã được nghiên cứu và đang ứng dụng vào thực tiễn sản xuất: Cá mú lai, cá mú cọp, cá chẽm, cá bớp, cá chim,…

5. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ
Viện III có 24 quy trình công nghệ đang được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất ở 32 tỉnh thành trên cả nước.
Hàng năm cung cấp khoảng 1 triệu con giống để làm bố mẹ phục vụ sản xuất các đối tượng tôm, cá, nhuyễn thể, giáp xác.
Sản xuất và cung cấp giống tôm, cá, nhuyễn thể, giáp xác, rong biển phục vụ nuôi thương phẩm.
Phối hợp và chuyển giao công nghệ với nhiều doanh nghiệp lớn phục vụ phát triển thủy sản như Tập đoàn MASAN, Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn Minh Phú, Công ty Đắc Lộc, Công ty Nam Miền Trung, Công ty Thông Thuận, Công ty F17 (Nha trang Seafood)….

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh      
Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III


Đối tác

 
>