Lượt truy cập:

1.696.843

Thời gian:

30/04/2024

Viện Nghiên cứu năng động nhất, tạo ra những giải pháp khác biệt, bền vững và cần thiết cho cộng đồng

ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN CÁ NƯỚC LẠNH TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2022-2027

Sáng ngày 23/12/2022, tại Nhà khách Dinh II, số 1 Khởi nghĩa Bắc Sơn, Phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027.

Tham dự Đại hội có sự tham gia đông đủ của các đại biểu là thành viên Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng; đại diện của Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai; Hội nghề cá Việt Nam; Tổng cục Thủy sản; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng; Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng; các đại biểu nguyên là Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, và các cá nhân có đóng góp với nghề nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng; đại diện các công ty sản xuất thức ăn như De Heus của Hà Lan, công ty Tomboy-Skretting, Công ty Guyomarc’h Bình Dương. Tổng cộng gần 100 đại biểu tham dự Đại hội này.

ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN CÁ NƯỚC LẠNH TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2022-2027
ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN CÁ NƯỚC LẠNH TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2022-2027
Toàn cảnh Đại hội

Theo báo cáo tổng kết hoạt động BCH của Hiệp hội nhiệm kỳ 2017-2022, trong 5 năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh thường xuyên chịu sự tác động ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lụt đối với hạ tầng nuôi thủy sản gây thiệt hại lớn với một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Tiếp đến là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá Tầm thương phẩm hàng hóa ra thị trường gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng bắt đầu từ giữa năm 2021 đến nay sự phát triển nghề nuôi cá tỉnh Lâm Đồng bắt đầu được hồi phục và phát triển. Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện nhất quán các chủ trương, chính sách của tỉnh về thu hút và ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong 2 năm trở lại đây các trang trại nuôi cá Tầm tăng thêm đáng kể. Tính đến tháng 11 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 34 đơn vị, tổ chức cá nhân hộ gia đình nuôi cá nước lạnh hàng hóa, sản xuất giống; các doanh nghiệp sản xuất có quy mô và sản lượng lớn, sản xuất ổn định được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư phát triển phát triển cá nước lạnh. Hiệp hội trong 5 năm qua đã liên kết, hợp tác và chia sẽ với các doanh nghiệp, chủ trang trại trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng trong sản xuất kinh doanh cá nước lạnh thương phẩm, sản xuất và cung ứng giống cá Tầm, cá Hồi. Các hội viên tham gia có thể là đầu tư trực tiếp, hoặc liên kết hợp tác vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh hình thành liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình với nhau trong và ngoài tỉnh lâm đồng là nhân tố rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng và cả nước, từ khâu nhập, sản xuất và cung ứng giống cho các trang trại nuôi, sản xuất và cung ứng thức ăn chất lượng cao, cùng nhau chia sẽ thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, công tác quản lý trang trại. Hiệp hội đã tổ chức, hình thành sự liên kết chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm và tổ chức thị trường tiêu thụ từ đó từng đơn vị có kế hoạch sản xuất ổn định theo kế hoạch hàng năm, sản lượng được xuất bán và thu mua tại trang trại theo chu kỳ và kế hoạch sản xuất của đơn vị, được thu mua với giá ổn định và được điều chỉnh hợp lý theo giá của thị trường. Trong chuỗi liên doanh liên kết của Hiệp hội có sự phân công trách niệm gắn với lợi thế của từng doanh nghiệp theo hướng chuyên môn sâu rất cụ thể. Công ty TNHH MTV Trường Toản vừa phát triển trang trại nuôi vừa chịu trách nhiệm với Hiệp hội về bao tiêu sản phẩm nuôi cho các trang trại nuôi thương phẩm, đã hình thành hệ thống cung ứng ổn định sản phẩm cá Tầm thương phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Về sản xuất giống cá Tầm có nguồn gốc nhập ngoại như công ty TNHH Phi Huỳnh, Công ty Đà Lạt Caviar, Công ty Cá tầm Việt Nam, Công ty TNHH Đa Phú, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên – Viện Nghiên cứu NTTS III đã và đang cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá Tầm, thực hiện các khảo nhiệm, thử nghiệm các mô hình cá nước lạnh để nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn cả nước.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có quy mô sản xuất lớn, kỹ thuật cao trong sản xuất đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật nuôi đầu tư xây dựng trang trại kiểu mẫu đã ứng dụng nuôi theo quy trình VietGAP, Global GAP với hình thức nuôi trong bể có mái che cho năng suất cao đó là Công ty TNHH Đa Phú, Công ty TNHH Phi Huỳnh, Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, Công ty Trường Toản, Công ty cá suối Đại Dương.

Về các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, một số doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với đơn vị nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thực hiện nghiên cứu liên quan với Sở khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng như khảo nghiệm giống cá mú Úc, nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu. Đặc biệt từ năm 2016 – 2021, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã phối hơp thực hiên sinh sản nhân tạo giống cá Tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tổng diện tích cá nước lạnh Lâm Đồng đến thời điểm hiện tại khoảng 385 ha, trong đó diện tích ao nuôi, bể nuôi…thực tế khoảng 83 ha, tăng so với trước giai đoạn 2012 -2017 là 28 ha. Nguyên nhân tăng nhiều là do nhiều trang trại hình thành mới ở một số địa phương như Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông do trước đây chưa khai thác sử dụng, hoặc chưa được chia sẻ nguồn nước, chưa có điều kiện để mở rộng. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay có thêm 7 trang trại mới và đưa tổng số hội viên của Hiệp hội lên tới 33 hội viên. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hộ gia đình khoảng gần 1.000 tỷ đồng (so với năm 2019 là 826 tỷ đồng). Năng suất bình quân nuôi bể hiện nay là 23,5 kg/m2 ao/bể nuôi (tương đương với 235 tấn/ha) là cao hơn so với trước năm 2017 là 19,5 kg/m2 (tương đương với 195 tấn/ha). Năng suất nuôi lồng ở hồ Ka La huyện Di Linh của Công ty Seaprodex đạt từ 18-20 kg/m2 tương đương với 6-7 kg/m3.

Bảng 1. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng trong thời gian 2017 đến 2022

Năm
Sản lượng theo kế hoạch (tấn)
Sản lượng đạt được (tấn)
Phần trăm đạt được theo kế hoạch (%)
2017
1.150
800
69,6
2018
1.250
950
76,0
2019
1.500
1.350
90,0
2020
1.800
1.700
94,4
2021
2.100
1.850
88,1
2022
2.150
1.800
83,7

Bảng trên trình bày sản lượng cá nước lạnh sản xuất hàng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian qua, có 7 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và sản xuất ra 85% sản lượng cá nước lạnh hàng năm của toàn tỉnh.

Hình thức nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng phát triển đa dạng và phong phú như nuôi lồng trên hồ chứa (điển hình là hệ thống lồng nuôi của Công ty cổ phần Seaprodex với 200 lồng nuôi ở hồ Ka La, huyện Di Linh), nuôi ao/bể lót bạt, bể xây có mái che, bể composite. Nhưng hình thức nuôi đạt năng suất và sản lượng cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm, có kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm là hình thức nuôi cá tầm trong bể xây có mái che, nguồn nước suối tự chảy là hình thức nuôi có hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay đối với tỉnh Lâm Đồng. Đối tượng nuôi cá nước lạnh chủ yếu là cá Tầm với sản lượng là chủ yếu, và cá Hồi vân (sản lượng từ 10-15 tấn/năm). Nhu cầu về giống cá nước lạnh giai đoạn 2017-2019 là 1,8 – 2 triệu con/năm, từ 2019-2020 là khoảng 1,5 triệu con giống/năm. Nguồn giống chủ yếu là nhập trứng có điểm mắt nhập từ CHLB Nga và CHLB Đức về Lâm Đồng, sau đó ấp và ương thành cá giống. Một số doanh nghiệp cũng kết hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III để sản xuất giống cá Tầm nhân tạo từ nguồn cá bố mẹ nuôi tại Việt Nam như Công ty TNHH Đà Lạt CAVIAR, Công ty cá Tầm Việt Nam nhưng lượng cá giống sản xuất ra chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu của thị trường. Thức ăn sử dụng cho nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng rất phong phú chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nhập dây chuyền sản xuất hiện đại, nguyên liệu đảm bảo để sản xuất thức ăn tại Việt Nam. Bình quân hệ số thức ăn nuôi trong bể đạt từ 1,4 – 1,6 kg thức ăn/1 kg cá thương phẩm và 1,6 – 2,0 kg thức ăn/kg cá khi nuôi lồng bè trên hồ chứa. Hiện nay các loại thức ăn của các công ty như De Heus của Hà Lan, công ty Tomboy-Skretting, Công ty Guyomarc’h Bình Dương thường được người nuôi cá nước lạnh ưa thích và lựa chọn để sử dụng. Chất lượng thức ăn cho cá nước lạnh ngày càng được các nhà sản xuất nâng cao đảm bảo hệ số thức ăn phù hợp và chất lượng sản phẩm cá Tầm đạt yêu cầu, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Bá Uyên – Chủ tịch hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Lào Cai, và nhiều đại biểu khác đã đánh giá cao những thành tích đạt được và những đóng góp của Hiệp hội với sự phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới Hiệp hội cần phát triển hơn nữa, góp phần gắn kết các hội viên để đạt được mục tiêu trong giai đoạn tới mà Hiệp hội đề ra, đồng thời góp phần phát triển sản xuất bền vững và nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm của nghề nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp đó Đại hội thảo luận và thông qua phương hướng phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng. Về mục tiêu sản xuất, sản lượng nuôi của từng năm như sau:
  • Năm 2023: 2.200 tấn
  • Năm 2024: 2.500 tấn
  • Năm 2025: 2.700 tấn
  • Năm 2026: 2.900 tấn
  • Năm 2027: 3.000 tấn
Về diện tích nuôi cá nước lạnh, vẫn thực hiện trên nền quy hoạch chi tiết về cá nước lạnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, cố gắng khai thác những diện tích trong quy hoạch nhưng trước đây chưa đưa vào nuôi, mở rộng đầu tư trang trại nuôi cá tầm có mái che heo hướng công nghiệp kỹ thuật cao đến năm 2027 diện tích nuôi tăng thêm 50 ha, đưa tổng diện tích nuôi cá Tầm thương phẩm trong ao/bể đạt 125 ha, và đến năm 2030 đạt 200 ha. Phát triển diện tích nuôi lồng bè chủ yếu trên hồ chứa dự kiến là 50 ha đến năm 2027 với khoảng 350 – 400 lồng.
Về giống, chỉ tiêu về giống cung cấp cho nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng từ năm 2023-2027 như sau:
  • Năm 2023: Giống cá Tầm, 2 triệu con, cá hồi vân 100.000 con
  • Năm 2024: Giống cá Tầm, 2,3 triệu con, cá hồi vân 100.000 con
  • Năm 2025: Giống cá Tầm, 2,5 triệu con, cá hồi vân 100.000 con
  • Năm 2026: Giống cá Tầm, 3,0 triệu con, cá hồi vân 100.000 con
  • Năm 2027: Giống cá Tầm, 3,5 triệu con, cá hồi vân 100.000 con
Trong nhiệm kỳ này Hiệp hội tiếp tục xây dựng thương hiệu cá Tầm suối Đà Lạt, thực hiện gắn tem nhãn từng cá thể sản phẩm trước khi đi ra thị trường, nêu cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên BCH Hiệp hội đã được phân công vì lợi ích kinh tế cốt lõi của doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội, tăng cường cường các hoạt động của Hiệp hội nhất là công tác tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm tươi sống, sản phẩm sạch được gắn nhãn hiệu định danh cho từng cá thể sống đến với người tiêu dùng.

Tại Đại hội, 100% hội viên tham gia biểu quyết tán thành và thống nhất bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng khóa IV nhiệm kỳ 2022 – 2027 với các thành viên sau:

+ Chủ tịch Hiệp hội: Ông Nguyễn Đình An - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Mai Trang
+ Phó Chủ tịch thường trực phụ trách sản xuất: Ông Nguyễn Tất Ngà – Giám đốc công ty TNHH Đa Phú
+ Phó Chủ tịch phụ trách KHKT, giống cá nước lạnh, công tác đối ngoại: TS. Nguyễn Viết Thùy – Giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung – Viện Nghiên cứu NTTS III
+ Phó Chủ tịch phụ trách công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh hàng hóa: Ông Nguyễn Văn Toản – Giám đốc công ty TNHH MTV thủy sản Trường Toàn
+ Ủy viên thường trực: Ông Trần Đình Trọng – Giám đốc công ty cổ phần Giang Ly
+ Ủy viên BCH phụ trách pháp chế: ông Phạm Phi Long – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng.
+ Ủy viên BCH: Ông Ngô Quang Dũng
+ Thư ký Hiệp hội: Ông Trần Văn Hào – Kỹ sư Nuôi trồng thủy sản.

ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN CÁ NƯỚC LẠNH TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2022-2027

Ban chấp hành Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022-2027
Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Nguyễn Đình An - Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng khóa IV nhiệm kỳ 2022 – 2027  xin cảm ơn các đại biểu đã đến dự đông đủ, góp ý cho Đại hội nhiệt tình và trách nhiệm, và xin hứa sẽ cùng BCH và toàn thể thành viên Hiệp hội thực hiện nghị quyết Đại hội đã đề ra, mong muốn các bên có liên quan tiếp tục giúp đỡ Hiệp hội trong thời gian tới, và kính chúc toàn thể đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống./.

ĐẠI HỘI HIỆP HỘI PHÁT TRIỂN CÁ NƯỚC LẠNH TỈNH LÂM ĐỒNG LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2022-2027

Đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS III chụp ảnh lưu niệm với BCH Hiệp hội.

RIA3

Đối tác